Kiến thức kỹ năng
5 bước cơ bản tránh dịch sai khi bạn làm phiên dịch viên
Bạn là sinh viên ngành Ngoại ngữ mới ra trường, bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc dịch thuật nên rất sợ mắc lỗi khi bắt đầu một công việc mới. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra 5 bước cơ bản để tránh dịch sai khi bạn làm phiên dịch viên.
Biên – phiên dịch
Nói chung là công việc chuyển câu nói, văn bản, tài liệu, sách, báo, diễn văn, tiểu thuyết… từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Việt và ngược lại. Nếu bạn muốn trở thành một người làm biên phiên dịch thành công bạn phải có tất cả những kỹ năng cần thiết. Một bản dịch phải đảm bảo độ trôi chảy, chính xác, liền mạch và không có sự sai sót…
Để có được một bản dịch hoàn hảo, những biên dịch viên đều phải làm việc rất chăm chỉ. Tuy nhiên, nếu nắm được những phương pháp đúng trong biên phiên dịch, công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng và ít sai sót hơn.
Xác định rõ bản gốc là thể loại tài liệu gì trước khi dịch
Cách ta dịch một quyển sách hay một câu nói sẽ hoàn toàn khác khi ta dịch một tài liệu chuyên ngành. Ở mỗi tài liệu sẽ có một phong cách dịch tương ứng, do đó trước khi thực hiện dịch bạn cần phải xác định rõ được tài liệu mình phải dịch thuộc thể loại gì thì mới có thể lựa chọn được phương pháp dịch thuật phù hợp nhất.
Không dừng lại ở đó, ở mỗi tài liệu cũng sẽ có một đối tượng hướng đến riêng, mục đích riêng, người làm biên phiên dịch nên xác định rõ ngữ cảnh trước khi dịch để chọn được văn phong phù thể hiện tốt nhất.
Đọc kĩ nhiều lần bản gốc với biên dịch viên và tập trung nghe cẩn thận đối với phiên dịch viên
Tỉ mỉ, cẩn thận là những thứ cần có ở một người làm biên phiên dịch. Khi là một biên dịch, bạn phải đọc đi đọc lại bản gốc nhiều lần rồi mới bắt đầu dịch, đừng ngại việc mất thời gian đối với phương pháp này.
Điều này cũng tương tự đối với một phiên dịch viên, mặc dù không thể nghe đi nghe lại điều khách hàng nói nhưng bạn có thể tập trung nghe một cách thật cẩn thận; nhanh chóng nắm bắt các keyword để hiểu nội dung chính một cách tốt nhất. Với những khối lượng thông tin nhiều, bạn có thể tập viết tốc ký, nhanh chóng chép lại các từ khóa, kịp thời sử dụng khi cần thiết.
Phương pháp này hỗ trợ rất nhiều trong việc dịch thuật, từ đó thông tin bạn dịch được không chỉ đầy đủ mà còn chính xác hơn.
Tìm hiểu thêm những tài liệu cùng thể loại bằng tiếng Việt
Để trở thành biên phiên dịch, ngoài thông thạo ngoại ngữ, bạn còn phải giỏi cả tiếng Việt nữa. Nhiều người đọc hiểu ngoại ngữ rất tốt nhưng lại có vấn đề khi diễn lại toàn bộ ngôn ngữ bằng tiếng mẹ đẻ. Do đó, việc tìm hiểu tài liệu cùng thể loại bằng tiếng Việt sẽ giúp các biên phiên dịch viên có thêm kinh nghiệm trong việc sử dụng ngôn ngữ, chọn lựa câu từ, sắp xếp câu cú ngữ pháp một cách phù hợp nhất.
Phương pháp này cũng đồng thời giúp người dịch bổ sung kiến thức nền tảng khi được tiếp xúc, làm quen với những khái niệm mới và lấy đó làm tư liệu nguồn để thực hiện dịch bản gốc.
Nghiên cứu tài liệu chuyên ngành
Khi dịch thuật, việc am hiểu kiến thức nền tảng về lĩnh vực mình đang làm là điều cần thiết. Đặc biệt, khi bạn phiên dịch cho một ngành nghề có tính đặc thù cao thì việc này càng cần thiết hơn bao giờ hết. Từ đó để thấy rằng, trước khi biên phiên dịch về ngành nghề hay lĩnh vực nào đó, bạn nên bỏ ít thời gian để nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành của chúng, giúp bổ sung kiến thức nền tảng, nắm bắt được những đặc trưng riêng để áp dụng khi làm việc.
Bản dịch cần có tính trung thực
Không làm cho bản dịch hấp dẫn hơn bằng cách thêm thắc thông tin, điều cần có ở một người làm biên phiên dịch là tôn trọng tính chính xác của bản gốc. Khi làm được như vậy người biên phiên dịch cần kiên nhẫn bổ sung kiến thức, trau dồi khả năng sử dụng ngôn ngữ của bản thân.
Biên – phiên dịch là công việc đáng mơ ước đối với những bạn học ngành Ngoại ngữ, tuy nhiên công việc nào cũng sẽ có khó khăn và bất kì ai cũng có thể mắc sai lầm. Những chia sẻ trên mong rằng có thể giúp những bạn có đam mê với công việc phiên dịch tránh được những sai sót không đáng có và sớm thành công với công việc mình chọn lựa.