Kiến thức kỹ năng
Thủ thuật “Take note” siêu đỉnh dành cho người học ngoại ngữ
Khi nhắc đến việc học ngoại ngữ, hầu hết mọi người đều nghĩ đến 4 kĩ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết; trong “bộ tứ” trên thì cặp đôi “Nghe – Nói” là hai kĩ năng thể hiện rõ nhất về khả năng ngôn ngữ của bạn. Tuy nhiên, đây cũng là 2 kỹ năng khó tiến bộ hơn, và đòi hỏi sự luyện tập và trau dồi chủ động hơn. Hiện nay, bên cạnh việc luyện nghe truyền thống như qua băng, đài, và giao tiếp thực, môi trường Internet cũng là một lựa chọn tốt dành cho người học. Tuy nhiên, dù chọn lựa hình thức, phương pháp nào, có một kỹ năng vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho bạn trong việc luyện tập, đó chính là “take note”.
Vậy “Take note” là gì? vì sao nó lại được đánh giá cao đến vậy và làm thế nào để sử dụng một cách hiệu quả nhất “Take note” vào việc học ngoại ngữ? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!
“Take note” là gì?
“Take note” có thể được hiểu là việc ghi chép những thông tin “chủ chốt” mà bạn nghe, quan sát, theo dõi được một cách nhanh chóng. Lưu ý rằng, những thông tin này không nhất thiết phải ở dạng đầy đủ nguyên văn của chúng, chúng chỉ cần đảm bảo sự chính xác trong lưu lại ý nghĩa. Theo những gì giải thích ở trên ta có thể liên tưởng tới một hoạt động quen thuộc trong tiếng Việt, đó là “tốc ký”.
Một bản “note”, như đã nói ở trên, không phải là đoạn văn dài dằng dặc, hay một bài viết được thể hiện đầy đủ câu cú, ngữ pháp. Nó chỉ là những câu ngắn, đôi khi còn chỉ là những từ, cụm từ (mà chúng ta gọi là “keyword”). Việc đọc lại những “keyword” này giúp bạn có thể hiểu được đại ý, ý chính của đối tượng được ghi chép. Nó nói về cái gì? Có gì cần chú ý?
Mỗi người có một phương pháp “take note” khác nhau, vì thế mỗi bản “note” lại mang phong cách riêng của từng người.
Thế nào là “take note” đúng cách?
Hãy viết tắt!
Lời khuyên đầu tiên chính là: Hãy viết tắt!
Bạn biết đấy, tiếng Anh không giống với tiếng Việt, nó có rất nhiều từ…dài loằng ngoằng, thậm chí rất khó nhớ cách viết. Để việc “take note” trở nên thuận lợi và dễ dàng, không tạo thêm những khó khăn cho bạn, bài viết này khuyên bạn nên viết tắt.
Bạn có thể sử dụng các cách viết tắt phổ biến, hoặc chính bạn cũng có thể tự đặt ra quy tắc viết tắt cho riêng mình. Miễn sao đừng để chính mình không hiểu hay khó hiểu là được. Cũng như tiếng Việt, bạn có thể viết tắt các từ dài bằng cách rút gọn cho chúng trở thành các từ gồm những phụ âm liền nhau. Bạn cũng có thể kết hợp các con số vào cách viết tắt nhờ sự đồng âm và gần âm. Ví dụ như:
b4 = before
to = 2
fine = 5
you = u
Một lưu ý cực kỳ quan trọng mà chúng tôi muốn nhắc lại, đó là: Đừng cố gắng viết lại hoàn chỉnh tất cả những gì bạn tiếp nhận được! Để tốc độ “take note” nhanh hơn, hãy cố gắng chỉ bắt những từ chính và sắp xếp chúng thật khoa học.
Sắp xếp thông tin khoa học
Thêm một công đoạn quan trọng khác trong quá trình “take note” đó là sắp xếp thông tin khi ghi chép.
Sắp xếp thông tin sao cho hợp lí để khi xem lại bạn có cả một hệ thống vạch rõ ra nội dung được ghi chép. Một kỹ năng quan trọng là phân cấp thông tin. Cũng như một bức tranh, chúng ta cần phải chia ra những mảng chính-phụ khác nhau cho nội dung của mình. Nếu không biết phân cấp thông tin đúng cách, bản “note” của bạn sẽ chỉ là một mớ hỗn độn mà đến chính bạn cũng không thể biết được những từ nào thuộc cùng một câu.
Dưới đây là một số lời khuyên về việc sắp xếp thông tin một cách khoa học.
Nếu bài nghe của bạn là một cuộc hội thoại của hai người, bạn nên chia đôi trang giấy để viết riêng ý kiến, lời thoại của mỗi người. Nên chú ý xem đoạn bạn đang nghe là lời nói của ai để ghi đúng cột, khi đọc lại bạn sẽ dễ dàng so sánh ý kiến quan điểm khác nhau giữa hai người về một vấn đề chính nào đó của bài nghe.
Nếu bài nghe của bạn là về một vấn đề một người nói, bạn nên chú ý xác định đúng chủ đề nội dung chính của bài. Sau đó ghi chép những luận điểm chính và lớn, từ những luận điểm chính đó bạn nên vẽ ra các nhánh để ghi những luận cứ, như vậy “note” của bạn sẽ rõ ràng và giúp bạn biết luận cứ nào bổ trợ cho luận điểm nào.
Nếu bài nghe của bạn kể về một quy trình gồm các bước thực hiện một vấn đề nào đó thì bạn cần chú ý xác định được mạch của bài, nghe rõ ràng đoạn nào nói về bước nào. Lúc đó “take note” dạng sơ đồ mũi tên là phù hợp nhất, hết bước này để dẫn sang bước khác, tuy nhiên đôi khi mỗi bước lại có những chú ý, những thông tin phụ riêng từ đó bạn nên xổ ra các nhánh của các bước và đặc biệt chú ý phải bắt kịp mạch của người nói về bước tiếp theo.
Từ những gì được nói đến ở trên, ta thấy được rằng việc luyện tập cách “take note” khi nghe tiếng Anh sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc ghi chép kịp thời những thông tin xuất hiện trong bài nói để bạn có thể đọc lại và hệ thống lại chúng thành một bài hoàn chỉnh sau khi kết thúc phần nghe. Việc này giúp bạn nắm bắt được nội dung cụ thể mà bài nghe mang lại là gì từ đó nó giúp bạn trong nhiều bài tập như đúng-sai (True or False), điền từ vào chỗ trống,… trong các bài kiểm tra. Thực sự “take note” khi nghe tiếng Anh cũng là một thói quen bạn nên hình thành để nâng cao khả năng nghe của mình dù học bất cứ ngoại ngữ nào.