Kiến thức kỹ năng
Vì sao dù học tiếng Anh 10 năm vẫn không giỏi?
Bạn hiểu rõ tầm quan trọng của tiếng Anh, bạn muốn trở nên thuần thục nó nhưng dù có cố gắng như thế nào bạn và học lâu đến đâu bạn cũng không thể giỏi tiếng Anh được. Vậy lý do là do đâu? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một vài nguyên nhân cho thắc mắc trên.
Lý do thứ nhất: Luôn mang trong đầu ý nghĩ “tiếng Anh rất khó” và những ai giỏi tiếng Anh chắc hẳn phải được đầu tư từ bé, hoặc gặp may hay có một năng khiếu đặc biệt về việc học ngoại ngữ. Đây chính là những người luôn cảm thấy khó chịu với tiếng Anh đến mức dị ứng với nó. Mỗi khi học tiếng Anh ở bất cứ nơi đâu, thay vì cởi mở bản thân để cho tiếng Anh đi vào, họ sẽ luôn tìm kiếm những bằng chứng để chứng minh rằng học tiếng Anh là rất khó như: học từ mới khó nhớ và hay quên; hay nghe tiếng Anh là một cơn ác mộng khi mà người ta nói quá nhanh, dùng nhiều từ phức tạp và thành ngữ rối rắm; hay học ngữ pháp rất nhiều nhưng không thể nắm chắc được ngữ pháp tiếng Anh…
Lý do thứ hai: “Thiên tài ngữ pháp”, tức là hãy học ngữ pháp, ngữ pháp và ngữ pháp. Có những người luôn có một suy nghĩ là chưa nắm chắc được ngữ pháp tiếng Anh thì chưa thể nào sử dụng được tiếng Anh vào việc nói và viết. Những người này luôn cảm thấy mình đúng khi liên tục gặp những cấu trúc ngữ pháp hay là những mẫu câu mà họ chưa thuộc, chưa biết hoặc thậm chí là đã học nhưng… đã quên. Họ tự than thở rằng “thấy chưa, mình học ngữ pháp nhiều như thế mà vẫn đọc phải những câu mà mình chưa biết cấu trúc, và những hiện tượng ngữ pháp mới vẫn còn đầy rẫy ra đấy…”. Cứ như vậy, những người này càng học nhiều ngữ pháp lại càng rối, càng hay quên những ngữ pháp đã học và khó nhớ những ngữ pháp mới; đến sau cùng họ sẽ khẳng định ngay: Ngữ pháp tiếng Anh thật rắc rối và khó mà nắm hết được.
Lý do thứ ba: Học thật nhiều từ vựng đơn lẻ, với một tập giấy chép từ vựng dày cộp. Nếu luyện theo cách này, kết quả mà bạn đạt được sẽ là học đến đâu quên đến đấy. Những người luyện theo cách này thường học theo kiểu tra từ mới và viết nó ra giấy… nhưng chỉ viết rồi để đó.
Họ chép từ ra giấy theo từng từ riêng lẻ, không tra các từ vựng phái sinh ra từ từ mới mà họ đã tra cứu. Trong khi vốn dĩ từ vựng trong tiếng Anh thường có một họ từ phái sinh; một từ là động từ thì có thể thêm đuôi vào để thành danh từ, hay tính từ… và ngược lại một từ là tính từ thì có thể thêm đuôi hoặc biến đối đuôi để trở thành động từ hay danh từ… và việc tạo từ mới theo cách đó gọi là từ phái sinh, và lại càng không thèm viết ra những cụm từ có từ mới mà họ tra cứu trong bối cảnh cụ thể nào đó. Vì đơn giản là có quá nhiều từ và nhiều nghĩa của một từ đó được liệt kê ra trong từ điển…
Lý do thứ tư: Học tùy hứng, lúc nào thích thì học. Những người học tiếng Anh tùy hứng sẽ luôn đặt ra câu hỏi: làm thế nào để tìm thấy hứng thú học tiếng Anh? Và họ mải mê đi tìm hứng thú mà quên đi một sự thật là cảm hứng học tiếng Anh chân chính chỉ sinh ra trong quá trình bạn học, còn nếu chỉ đi tìm hứng thú bên ngoài thì đó chỉ là những cảm hứng nhất thời và sẽ trôi qua nhanh. Kết quả là người học theo cảm hứng sẽ rất nhanh mất hứng.
Chính vì thế việc học tiếng Anh sẽ thường xuyên bị gián đoạn, giống như dòng cảm hứng lúc có lúc không vậy. Kết quả là những “cao thủ” theo trường phái “tùy hứng” này sau nhiều năm vẫn mải mê đi tìm cảm hứng, nhưng họ vẫn không ngừng hát vang điệp khúc không có cảm hứng học tiếng Anh. Vì vậy, sau nhiều năm tiếng Anh của họ vẫn chưa thể nào đạt đến trình độ đủ để giao tiếp hoàn toàn độc lập.
Lý do thứ năm: Học tiếng Anh câm. Tức là mọi suy luận ngôn ngữ đều diễn ra trong đầu một cách thầm lặng. Tai không mấy khi nghe tiếng Anh, miệng cũng chẳng nói tiếng Anh nhiều cho lắm, tay thì mải mê điền đáp án cho những câu hỏi trong các cuốn sách tiếng Anh… với một “niềm tin lớn” rằng điểm cao tiếng Anh thông qua các bài kiểm tra trên giấy cũng có nghĩa là mình giỏi tiếng Anh. Những người thuộc trường phái “tiếng Anh câm” này thường rất tự tin rằng tiếng Anh của mình đã rất chắc chắn, nhưng thật ra khả năng nghe và nói tiếng Anh của họ lại rất đáng thất vọng. Một sự thực hiển nhiên đó là các yêu cầu của bài thi trên giấy gồm các bài tập điền từ, chia động từ, hay đọc hiểu, hoàn toàn khác với việc giao tiếp bằng tiếng Anh trong cuộc sống.
Trong giao tiếp tiếng Anh thực tế, phản xạ nghe và nói nhanh nhạy mới là điều quan trọng, và khả năng sử dụng tốt các cấu trúc câu giao tiếp, vốn dĩ chẳng bao giờ xuất hiện trong các bài kiểm tra ngữ pháp cầu toàn, mới đóng vai trò quyết định tới sự thành công hay thất bại của việc sử dụng tiếng Anh.
Lý do thứ sáu: Cầu toàn – chỉ đợi khi đúng hẳn ngữ pháp thì mới nói hay viết tiếng Anh. Đây là một lý do khá phổ biến với người mới học tiếng Anh, vì họ quan niệm rằng tiếng Anh gồm ngữ pháp và từ vựng. Chính vì vậy, họ mải mê đào sâu các sách ngữ pháp để học. Nhưng sự thật là càng học nhiều ngữ pháp, người học càng cảm thấy rối rắm và dễ chán nản, vì tiếng Anh vốn có rất nhiều yếu tố ngôn ngữ ngoại lệ khó học thuộc hết được, và ngay cả khi thuộc được vài điều ngoại lệ đó thì người ta cũng sẽ bị quên rất nhanh.
Một sự thật mà người học theo trường phái “cầu toàn” không nhận ra đó là ngữ pháp chỉ là các quy luật hình thành câu. Trên thực tế quy tắc hình thành câu, hay ngữ pháp, chính là quy luật của âm thanh. Và đã là quy luật của âm thanh thì chỉ có thường xuyên nói các cấu trúc câu thành lời, và thường xuyên nghe tiếng Anh thì mới “cài đặt” được chuỗi âm thanh có nghĩa trong bộ nhớ, và từ đó mới nghe và nói được tiếng Anh. Quá trình nghe rồi nói ra của người học tiếng Anh luôn có thể mắc lỗi. Nhưng việc tích cực nói, tích cực viết, chấp nhận mắc lỗi, và luôn có ý thức sửa lỗi, mới làm cho ngữ pháp tiếng Anh của người học trở nên hoàn thiện cả trên mặt giấy cũng như trong lời nói.
Lý do thứ bảy: suy luận như học toán. Những người luyện theo cách hiểu logic toán học đối với tiếng Anh thường thất vọng khi thấy càng học tiếng Anh nhiều, càng thấy chúng không logic. Thực tế những môn học tư duy như toán học thì chỉ cần hiểu được nguyên tắc là có thể suy luận ra lời giải của các bài toán khác. Nhưng tiếng Anh lại là môn học của kỹ năng và thói quen. Tức là, nó đòi hỏi sự lặp đi lặp lại nhiều lần của việc nghe và nói, theo đó đọc và viết để trở nên thành thạo. Những người mải mê tìm quy luật logic trong tiếng Anh sẽ chẳng bao giờ có thể tìm ra được nếu không gặp được những người thầy cực kỳ am hiểu tiếng Anh.
Lý do thứ tám: Chỉ học từ giáo viên Việt Nam. Bạn thắc mắc tại sao trong một lớp đại học của bạn, có nhiều sinh viên nói theo nhiều giọng khác nhau: người thì nói tiếng Việt theo giọng Hà Nội, có người nói tiếng Việt theo giọng Nghệ An, có người nói giọng TP Hồ Chí Minh…? Vì họ sinh ra và lớn lên trong môi trường của chất giọng đó. Họ nghe từ bé cho tới khi lớn lên, và chất giọng đó biến thành tiềm thức và định hình thành kỹ năng phổ biến nhất về cách nói tiếng Việt của họ, dĩ nhiên là họ sẽ nói theo giọng địa phương của họ.
Cũng như vậy, việc bạn nghe giọng gì nhiều thì bạn sẽ “sản xuất” ra đúng như những gì bạn nghe thấy. Và học tiếng Anh cũng vậy, nếu bạn chỉ nghe giáo viên Việt Nam nói tiếng Anh thì kết quả là bạn sẽ mắc những lỗi mà chính những giáo viên Việt Nam đó mắc phải như không rõ âm cuối, sai trọng âm, phát âm sai, và cả hình thành câu sai nữa…
Lý do thứ chín: Không xác định mục tiêu rõ ràng và không định lượng cụ thể để học. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người học tiếng Anh không bao giờ đến đích. Thậm chí người học còn nhầm lẫn giữa mục tiêu và mục đích. Mục đích học là để trở nên thành thạo với tiếng Anh, nhưng mục tiêu là thành thạo ở mức độ cụ thể nào: ví dụ đạt 7.5 trong bài thi IELTS, hay nắm vững toàn bộ 99 mô hình câu tiếng Anh và 3.500 từ vựng để đạt trên 900 điểm trong bài thi TOEIC và giao tiếp hoàn toàn độc lập, thành thạo trong môi trường thương mại quốc tế? Phần lớn người học tiếng Anh không đặt mục tiêu bằng con số cho mình, và vì vậy họ không xác định được khối lượng kiến thức cần học và số giờ rèn kỹ năng cần phải đầu tư.
Trên chính là một hay nhiều lý do bạn thường mắc phải khiến quá trình học tiếng Anh của bạn thường xuyên bị trì hoãn hay kết quả học tập mãi “dậm chân tại chỗ”. Học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung là cả một quá trình và đòi hỏi bạn phải bỏ nhiều công sức cho nó. Đừng mãi quẩn quanh trong những sai lầm của bản thân, tìm cách khắc phục và sửa chữa nó chính là con đường duy nhất giúp bạn tiếng bộ trong việc học ngoại ngữ.
Pingback: Những bí quyết giúp bạn giỏi ngoại ngữ hơn | Ngành ngoại ngữ