Học đối phó – “kẻ thù” của kỹ năng tiếng Anh sinh viên

Ngày nay ai cũng nhìn thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Tiếng Anh đóng vai trò vô cùng lớn trong quá trình hội nhập nhưng thực tế cho thấy rằng việc dạy và học ngoại ngữ ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Đến cả những sinh viên đang ngồi trên giảng đường – những người lãnh đạo tương lai của đất nước vẫn còn mang trong mình tư tưởng thụ động, học đối phó với môn học này thì phải làm thế nào?!

Nhận được nhiều sự quan tâm, vào cuối năm ngoái vấn đề này đã được các chuyên gia giáo dục mang ra thảo luận tại hội thảo Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tại buổi tham luận, PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn và Ths Trần Tín Nghị thuộc Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã chỉ ra một vài những hạn chế trong đào tạp năng lực ngoại ngữ tại các trường ĐH, CĐ trên khu vực TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Theo đó, “hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chủ yếu theo truyền thống, tức là chú trọng kỹ năng đọc, viết và mục đích chủ yếu là phục vụ cho các kỳ thi chứ chưa thực sự ứng dụng vào thực tiễn công việc. Mặc dù đã có Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 nhưng đến nay kết quả mang lại của đề án này chưa cao, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân chính là số giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn, một số địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu trầm trọng giáo viên dạy ngoại ngữ”.

Ngoài ra, do sự thiếu vắng các môi trường học tập chuyên nghiệp tại các trường ĐH nên sinh viên bị mất đi cơ hội được cọ xát, trao dồi ngoại ngữ.

Ths Lê Tín Nghị đã nêu nên quan điểm của mình: “Việc học ngoại ngữ cũng như tiếng Anh chủ yếu diễn ra ở lớp học, người học không có cơ hội sử dụng, ngoại ngữ giao tiếp, lớp học ngoại ngữ vẫn còn chiếm số lượng lớn người học. Ngoài ra, tiếng Việt vẫn còn được sử dụng phổ biến trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ cho SV. Việc áp dụng các mô hình dạy học tiên tiến như mô hình lớp học đảo ngược vẫn còn hạn chế, chưa triển khai rộng rãi và ít được chú tâm, dẫn đến việc giảng dạy tiếng Anh không kích thích được tính chủ động tích cực của người học”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Ở nhiều trường ĐH, CĐ cũng đã bắt đầu đưa ra các tiêu chuẩn về ngoại ngữ cho SV khi tốt nghiệp, tuy nhiên các quy chuẩn đầu ra cũng chỉ thường dựa vào bài đánh giá năng lực như Toeic, Toefl, Ielts,… dễ dẫn đến việc dạy và học chạy theo các bài thi hơn là hoàn thiện cho SV đầy đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Ths Ngô Thị Ngọc Hạnh, giảng viên tiếng Anh của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chia sẻ: Mặc dù SV hiện nay đã có nhiều sự tiến bộ rõ rệt, tuy nhiên so với mặt bằng chung của SV các nước lân cận thì SV Việt Nam vẫn còn nhiều thiệt thòi. Môi trường thật sự chuyên nghiệp, ít giáo viên bản địa và thời gian học với giáo viên bản địa còn khá ít chính là những bất cập mà SV Việt đang phải đối mặt.

Lí giải cụ thể cho thực trạng này, bà Hạnh cho rằng: Hầu hết các SV hiện chỉ quan tâm đến việc “làm thế nào để qua được các kỳ thi”. Vì mục tiêu quá đơn giản nên bản thân SV chỉ chủ yếu tập trung vào học ngữ pháp và bỏ qua nhiều kỹ năng quan trọng. Cách thi hiện nay chủ yếu là thi online trắc nghiệm trên máy tính dẫn đến tình trạng vẫn đang gò SV vào việc chủ yếu học ngữ pháp, từ vựng khô khan, coi trọng kỹ năng đọc – viết.

PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ, Giám đốc điều hành trường ĐH Văn Hiến cũng chỉ ra rằng: Nếu cứ theo quan điểm học ngoại ngữ của ngày xưa thì SV khó có khả năng nói lưu loát được. Hơn thế nữa, phần nhiều các giảng viên quá chú trọng đến các phương pháp truyền thống mà không tạo cho SV các hoạt động trong lớp, thực hành ngôn ngữ; trong khi đó, SV lại sợ môn Ngoại ngữ và chỉ cố gắng học cho xong dù bản thân môn này không yêu cầu sự thông minh, tài năng của người học. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ từ chính sách của nhà trường đến phương pháp dạy của giảng viên và tâm lý của người học.

Hình minh họa
Hình minh họa

Ths Trần Tín Nghị, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đề xuất: “Vấn đề dạy và học tiếng Anh tại các trường ĐH, CĐ cần phải thay đổi. Chúng ta không hướng đến các chứng chỉ mà hướng đến cái cụ thể nhất đó là làm sao để SV có khả năng giao tiếp tốt khi ra trường. Tính lưu loát mà SV cần đạt được. Có thể SV không cần bằng cấp nhưng cần có môi trường tốt để học tập. Và trên cơ sở đó công tác đánh giá của các trường cần nhấn mạnh vào kỹ năng nghe – nói thay vì tập trung vào kỹ năng đọc – viết như hiện nay. Nếu làm được như vậy thì các trường sẽ xây dựng được môi trường học tiếng Anh tự nhiên nhất, người học cũng thấy đây là ngôn ngữ gần gũi tạo điều kiện tốt nhất để làm việc sau này”.

Vì nhiều lí do khác nhau nên việc học ngoại ngữ đối với SV Việt Nam tuy đã có nhiều sự cải cách qua nhiều lần nhưng vẫn cho nhiều hạn chế so với các nước khác trong và ngoài khu vực; chính những điều này cũng một phần tạo ra tư tưởng học đối phó ở SV khiến việc phát triển đồng bộ các kỹ năng ngoại ngữ ngày càng bị hạn chế. Chính từ những thay đổi trong việc dạy và học ở ĐH và CĐ sẽ là hướng giải quyết đầu tiên và tối ưu nhất cho tình trạng này.