Xu hướng dạy và học ngoại ngữ trong thời đại mới – Cơ hội và thách thức

Nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập phát triển của đất nước với mục tiêu xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, hầu hết các trường đại học tại Việt Nam hiện đều đã đưa môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vào chương trình giảng dạy, cũng như là điều kiện để xét tốt nghiệp.

Trong bối cảnh chủ trương tự chủ ở lĩnh vực giáo dục đang được triển khai quyết liệt, việc đổi mới phương pháp nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ tại các trường Đại học (ĐH) ở Việt Nam là yêu cầu tất yếu. Bài viết dưới đây sẽ là một số sự phân tích cho những cơ hội cũng như thách thức khi quyết định đổi mới phương thức nghiên cứu, giảng dạy ngoại ngữ ở các trường ĐH ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất kiến nghị quan trong để việc đổi mới phương thức dạy và học ngoại ngữ được hiệu quả hơn.

Hình minh họa
Hình minh họa

Nhằm đáp ứng xu thế chung của sự hội nhập trên cả nước, với mục tiêu xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, hầu hết các trường ĐH Việt Nam đều đã đưa môn ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh vào chương trình giảng dạy. Trong bối cảnh chủ trương tự chủ được triển khai quyết liệt, việc đổi mới là điều tất yếu.

Cơ hội của việc đổi mới phương thức dạy và học ngoại ngữ

Một là, cơ hội tiếp cận, giao lưu ngày càng rộng mở: Với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, việc giảng dạy ngoại ngữ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn do cơ hội giao lưu ngày càng dễ dàng, liên tục. Việc giảng dạy, đào tạo những kỹ năng cơ bản không còn bị bó hẹp trong khuôn mẫu sư phạm hay trong những giáo trình khô cứng mà được mở rộng qua kinh nghiệm thực tiễn lẫn thực tế sinh động từ những biến chuyển, thay đổi của tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế.

Hai là, việc tiếp cận các phương thức dạy và học hiện đại, tiên tiến trên thế giới ngày càng dễ dàng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hợp tác hiện nay, các trường đại học chủ động mở rộng giao lưu hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, qua đó mở ra cơ hội và điều kiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận được các phương pháp giảng dạy hiệu quả từ bên ngoài. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ các trường đại học trong nước nỗ lực hợp tác với các đối tác nước ngoài mà hiện nay chính các đối tác ngoại cũng đang tìm cách mở rộng, hợp tác với các trường đại học Việt Nam để mở rộng vị thế, ảnh hưởng và quy mô đào tạo.

Ba là, khoa học công nghệ ngày càng phát triển hỗ trợ tích cực cho phương thức giảng dạy: Với xu thế công nghệ số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu to lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, các hoạt động đào tạo nói chung và phương thức giảng dạy ngoại ngữ nói riêng tại các trường đại học sẽ phải thay đổi. Đây là xu hướng tất yếu và có lợi cho các trường đại học và nếu tận dụng được lợi thế này.

Hình minh họa
Hình minh họa

Bốn là, các trường đại học ngày càng quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy: Hiện nay các trường đại học đều cố gắng đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho việc giảng dạy và học tập, đẩy mạnh chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu, qua đó thu hút sinh viên trong bối cảnh tự chủ và cạnh tranh ngày càng quyết liệt hiện nay.

Một vài thách thức cần vượt qua

Bên cạnh những thuận lợi trên, vẫn có không ít thách thức đặt ra đối với việc đổi mới phương thức dạy và học ngoại ngữ tại các trường ĐH hiện nay. Cụ thể, tại các trường đại học có thương hiệu và vị thế, do số lượng sinh viên quá đông nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng lẫn hiệu quả của các hoạt động dạy học. Ngoài ra, thiết bị giảng dạy thiếu hiệu quả, chưa đầu tư đáp ứng với nhu cầu giảng dạy và học tập. Chất lượng thiết bị các phòng lab, phòng học dịch chưa tốt, thực tế hiện nay tuổi đời sản phẩm của các thiết bị này thường rất ngắn nên cũng nhanh chóng bị hỏng. Đó là chưa kể cơ sở vật chất chưa phù hợp. Cơ sở vật chất phòng học của nhiều trường chưa đảm bảo nên thường bố trí phòng học thụ động, khi sinh viên phải học tại những phòng quá rộng, nhiều bàn ghế… không phù hợp cho những buổi học kỹ năng cần sự tập trung cao. Trong một số trường, chưa có sự bố trí hoặc thiết kế đường truyền Internet hay Wifi để phục vụ việc học tập.

Nhìn vào phương thức giảng dạy, không ít trường ĐH đang có hướng tiếp cận chưa hợp lý. Chẳng hạn, sinh viên Việt Nam thường được khuyến khích hiểu bài học thông qua việc vận dụng các quy tắc ngữ pháp và tra từ điển, máy móc, khiến cho các kỹ năng nói viết của sinh viên khó khăn hơn. Ngoài ra, người học vẫn bị bắt buộc học từ mới một cách máy móc, hiểu ra ý nghĩa từ 1, 2 ví dụ đơn điệu, tách biệt với tình huống cụ thể, không liên quan hành động thực tế. Nhiều bài thi phần lớn câu hỏi hoàn toàn thiếu ngữ cảnh. Chính điều này khiến người học rất khó hiểu, khó ghi nhớ bài học.

Hình minh họa
Hình minh họa

Theo các chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài, chính phương thức dạy học lỗi thời đã gây ra những hệ lụy, chẳng hạn: Cách thức giảng tại Việt Nam đang khiến cho người học quá rụt rè trong việc hỏi lại những gì họ chưa hiểu, thậm chí khi họ thực sự tò mò muốn biết, họ cũng không dám hỏi lại.

Bên cạnh các nguyên nhân từ nhà trường và người học thì một trong những yếu tố tác động quan trọng khác là bắt nguồn từ giáo viên. Có những giáo viên mặc dù có kinh nghiệm nhưng ngại thay đổi, thậm chí ngay cả các giáo viên trẻ cũng có xu hướng ngại thay đổi, ngại tìm hiểu và ứng dụng các phương thức giảng dạy hiện đại trong các buổi lên lớp. Nguyên nhân thu nhập tại các cơ sở đào tạo đại học quá thấp khiến cho giáo viên không còn động lực và hứng thú để thay đổi nội dung bài giảng hoặc do đáp ứng nhu cầu cuộc sống, các giáo viên phải tăng cường dạy thêm cho các cơ sở bên ngoài và buông lỏng chất lượng giảng dạy.

Từ những cơ hội và thách thức được đề cập đến ở trên ta có thể phần nào có những định hướng rõ ràng cho việc thay đổi phương pháp dạy và học ngoại ngữ trong sự thay đổi nhanh chóng của thời đại. Biến những thách thức thành cơ hội chính là mục tiêu cần được thực hiện trong thời gian tới.