Bối cảnh ngành Ngoại ngữ nước ta

Học giỏi ngoại ngữ có thể “mở ra” những chân trời mới mẻ cho các bạn trẻ theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh việc tạo ra cơ hội được tiếp cận với các vị trí công việc tốt, cơ hội phát triển bản thân, tạo dựng những mối quan hệ tốt trong tương lai còn có thể tiếp cận được những kho tàng văn hóa hay tài liệu chuyên môn rộng lớn của nhân loại. Tuy nhiên không phải bạn trẻ nào cũng sớm xác định mục tiêu về việc học ngoại ngữ và tầm quan trọng của việc học tốt ngoại ngữ trong thời đại hiện nay.

Học tốt ngoại ngữ có thể “mở ra” những triển vọng nghề nghiệp tươi sáng cho các bạn trẻ

Có nên học ngành ngoại ngữ?

Với tư cách là một ngôn ngữ quốc tế, tiếng Anh đang ngày càng khẳng định vị thế hết sức quan trọng trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, có thực trạng đáng lo ngại khi học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, sinh viên Việt Nam ổn về ngữ pháp nhưng lại “đuối” hay lúng túng khi giao tiếp, không đáp ứng được yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng. Điều này khiến nhiều bạn trẻ bỏ lỡ nhiều cơ hội làm việc quý giá tại môi trường quốc tế và khiến cho tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường tăng cao.

Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để mở rộng thị trường. Trước những cơ hội này, sử dụng thông thạo ngoại ngữ trở thành một công cụ hiệu quả để người lao động tìm kiếm vị trí việc làm tốt và khẳng định năng lực của mình. Thực tế cho thấy giới trẻ đang có nhiều cơ hội làm việc tại các môi trường quốc tế bởi khả năng nắm bắt nhanh và tư duy nhạy bén, tuy nhiên khả năng sử dụng ngoại ngữ vào trong hoạt động giao tiếp hay chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc dường như vẫn là 1 trong những rào cản đáng kể.

Nên tăng cường thời gian luyện phản xạ nghe – nói ngoại ngữ bằng cách giao tiếp với bạn học hay với người bản xứ

Do vậy, để học tốt ngoại ngữ và hơn hết là sử dụng được những kiến thức và kỹ năng được học vào trong môi trường làm việc thực tế, bạn nên chú trọng tới kỹ năng nghe nói và dành thời gian thực hành nhiều hơn để việc học ngoại ngữ được hiệu quả. Bên cạnh đó, thay vì thụ động tiếp thu những kiến thức từ phía giảng viên, người học nên tăng cường thời gian luyện phản xạ nghe – nói, giao tiếp với bạn học hay với người bản xứ. Ngoài ra, học ngoại ngữ như “mưa dầm thấm lâu”, không thể tốt lên trong ngày một ngày hai nên sinh viên cần xác định mục tiêu và thái độ học tập chuyên cần, đều đặn.

Chuẩn đầu ra cho môn ngoại ngữ không chuyên ở nhiều trường Đại học hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên năm cuối hết sức chật vật trước thời hạn xét tốt nghiệp. Nhiều sinh viên bị treo bằng, không ra trường đúng dự định bởi không đật được chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu. Do đó, các bạn nên tìm hiểu các yêu cầu của cơ sở đào tạo để có giải pháp nâng cao trình độ ngoại ngữ ngay từ đầu, không nên chủ quan chờ “nước đến chân” rồi mới nhảy.