Quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn

Từ xưa đến nay, do vị trí địa lý thuận lợi nên Việt Nam luôn là miếng mồi ngon cho các nước khác. Chính vì thế, việc phải đối mặt và xử lý mối quan hệ với các nước lớn luôn là điều mà chúng ta quan tâm.

Do vị trí địa lý thuận lợi nên Việt Nam luôn là miếng mồi ngon cho các nước khác

Không những vậy, khi sống bên cạnh người láng giềng khổng lồ đã làm cho tâm lý nước nhỏ ăn sâu vào trong tư duy người Việt. Trong lịch sử, ông cha ta ngày xưa tuy xưng đế nhưng bề ngoài luôn thể hiện sự thuần phục nước lớn, dù đánh thắng vẫn sang cầu hòa, xin phong vương để cốt giữ hòa bình, tự chủ cho nước Việt.

Những bài học lịch sử của tổ tiên trong ứng xử với phương Bắc cùng với tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá cho ngoại giao Việt Nam hôm nay. Tuy nhiên, hiện nay, quan hệ giữa các nước lại được xây dựng trên nền tảng tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi. Do đó, trong quan hệ với các nước lớn, chúng ta cần phải đặt mình trong tư thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Mặt khác, không được kiêu ngạo. Ứng xử với nước lớn cần khiêm nhường, cẩn trọng, biết tự kiềm chế nhưng không được nhịn nhục, cúi mình, thỏa hiệp vô nguyên tắc. Điều quan trọng trong đối ngoại là biết mình biết người, cần nhận thức rõ vị thế và sức mạnh của Việt Nam trong thế giới đương đại.

Quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn đang có sự chuyển biến tích cực

Muốn quan hệ bình đẳng, có sự tôn trọng và vị nể của nước lớn thì phải giữ được độc lập tự chủ, tự cường, có sức mạnh nội lực. Tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của đất nước là một trong những nhân tố then chốt tạo nên vị thế “lớn” hay “nhỏ” của một quốc gia và đó là bệ đỡ quan trọng nhất cho ngoại giao. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “mình có mạnh thì người ta mới đếm xỉa đến, mình không mạnh thì chả ai đếm xỉa đến”. Người cũng khẳng định: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.

Thế giới đã cho thấy có những nước và vùng lãnh thổ với diện tích nhỏ, dân số rất ít, tiềm năng phát triển rất hạn chế nhưng họ không hề nhỏ bé với sức mạnh cứng, mềm và ảnh hưởng quốc tế vượt trên tầm vóc của chính mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, Việt Nam cần phải gia cường sự đoàn kết và ổn định nội bộ, chủ động hội nhập quốc tế, tập trung cởi bỏ các nút thắt phát triển, khai thác hiệu quả các thế mạnh và nguồn lực trong nước, tranh thủ vị trí địa chính trị quan trọng và lợi thế so sánh của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế để phát triển đất nước, nhanh chóng đưa đất nước đi tới cường thịnh.