Khan hiếm hướng dẫn viên tiếng Trung dù mức lương hậu hĩnh

Nắm bắt xu thế hội nhập toàn cầu, nhiều lao động trẻ có trong tay vốn ngoại ngữ hiếm của một số quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc… đã nhanh chóng phát huy lợi thế, tìm được cơ hội việc làm thu nhập tốt.

Thu nhập cao gấp 2 – 3 lần

Trong lĩnh vực du lịch, vào tháng 8/2018 vừa qua, trong Báo cáo “Điểm nhấn du lịch 2018” của Tổ chức Du lịch thế giới, Việt Nam được xếp thứ 3 trong 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế đến tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong năm 2017. Giá trị đóng góp trực tiếp về kinh tế của du lịch vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) liên tục tăng, từ 6,3% vào năm 2015 lên 6,9% (năm 2016) và 7,9% (năm 2017). …

Sinh viên ngành Tiếng Trung Quốc tại ĐH Duy Tân 

Sinh viên ngành Tiếng Trung Quốc tại ĐH Duy Tân 

 Theo tiết lộ của một hướng dẫn viên du lịch, tiền công dẫn khách nội địa hoặc khách tiếng Anh chỉ ở mức 400.000 – 600.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, hướng dẫn viên ngoại ngữ hiếm được trả cao gấp đôi, thậm chí gấp ba. Nói về điều này, đại diện một công ty du lịch vừa và nhỏ (trụ sở tại Đà Nẵng) cho hay: “Sau 2 năm khai thác thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, đến thời điểm hiện tại công ty mới chỉ tìm được 2 hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này dẫn đến các sinh viên học ngôn ngữ Trung Quốc có sự am hiểu nhất định và chăm sóc khách nhiệt tình sẽ rất dễ xin việc. Thông thường, mức giá được đưa ra cho sinh viên là 40-50 USD/ngày, nếu đảm bảo chất lượng tốt sẽ có giá 60 USD/ngày, trong khi đó tiếng Anh chỉ có 20-30 USD/ngày”.

Khan hiếm hướng dẫn viên tiếng Trung dù mức lương hậu hĩnh

Chị Quỳnh, một HDV tiếng Trung (thường dẫn các đoàn khách người Đài Loan) cho biết, cách đây vài năm, HDV tiếng Trung không nhiều, nhưng 3 năm trở lại đây thì số lượng tăng đột biến nhưng vẫn không đủ để áp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Việc mở các đường bay trực tiếp từ nước ngoài đến Đà Nẵng đã giúp cho số lượng khách đến Đà Nẵng tăng lên rõ rệt mỗi năm, đặc biệt là khách Trung Quốc. Nhưng số lượng HDV luôn trong tình trạng không đáp ứng đủ, nhất là những thời điểm khách tàu biển đến Đà Nẵng hoặc Chân Mây (Huế) thì việc tìm HDV lại càng khó.

Với quá trình hội nhập ngày càng tăng, Đà Nẵng sẽ là điểm đến cạnh tranh với các điểm đến khác không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kỳ vọng đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón được 8 triệu lượt khách trong đó 2 triệu khách quốc tế, 6 triệu khách nội địa.

Để đạt được điều này, Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên ngành ngôn ngữ Trung Quốc.