Xung đột quốc tế – “bài toán” chưa có lời giải

Bên cạnh những thành tựu trong việc duy trì hòa bình, mở rộng hợp tác để phát triển, nhân loại vẫn đang phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột quốc tế lớn, nhỏ trong khu vực và trên thế giới.

Xung đột trong quan hệ quốc tế

Xung đột quốc tế là sự tương tác có tính cưỡng bức, được thể hiện rõ giữa các quốc gia, các cộng đồng đối kháng với nhau. Xung đột quốc tế biểu hiện ở nhiều hình thức như chiến tranh thế giới, chiến tranh khu vực, chiến tranh giữa hai quốc gia hoặc trong lòng một quốc gia có sự can thiệp, hậu thuẫn của các lực lượng bên ngoài, hoặc cũng có thể là những cuộc bạo động, chính biến, những cuộc khủng hoảng chính trị, ngoại giao, quân sự, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, những bất đồng quan điểm, các cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng.

Khu vực châu Á đã xảy ra hàng loạt các cuộc xung đột quốc tế

Khu vực châu Á đã xảy ra hàng loạt các cuộc xung đột quốc tế

Những năm gần đây, chỉ trong khu vực châu Á đã xảy ra hàng loạt các cuộc xung đột quốc tế với quy mô, mức độ và tính chất khác nhau: khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, giữa Nhật Bản và Trung Quốc, giữa Nhật Bản và Nga, tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông giữa các nước trong khu vực, cuộc chiến với phiến quân Hồi giáo ở các đảo miền Nam Phi-lip-pin, tranh chấp vùng biển giữa In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, tranh chấp giữa Ma-lai-xi-a và Thái Lan, giữa Thái Lan và Cam-pu-chia…

Nguyên nhân của xung đột quốc tế

Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến xung đột quốc tế chủ yếu xuất phát từ hai yếu tố chính, đó là nguyên nhân bên ngoài và nguyên nhân bên trong. Nguyên nhân bên ngoài liên quan đến cấu trúc hệ thống chính trị thế giới, bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như những vấn đề nảy sinh trong quá trình quan hệ giữa các quốc gia, các chủ thể của quan hệ quốc tế. Nguyên nhân bên trong xuất hiện trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia.

Xung đột quốc tế bao giờ kết thúc?

Trong thực tiễn, mỗi cuộc xung đột, mỗi tình huống dẫn đến xung đột đều rất điển hình và không lặp lại. Tất cả đều có những nguyên nhân của nó. Có thể chỉ là một vài trong số các nguyên nhân vừa nêu, nhưng cũng có thể là sự kết hợp của rất nhiều nguyên nhân khác. Khi càng có nhiều nguyên nhân xuất hiện cùng lúc, tính chất phức tạp của xung đột càng tăng lên và việc giải quyết xung đột cũng trở nên khó khăn hơn. Một khi nguồn gốc và những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến xung đột quốc tế vẫn còn tồn tại, tiếp tục nảy sinh thì xung đột vẫn còn xuất hiện và gay gắt hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước khi ký bản ghi nhớ về quyền sở hữu trí tuệ công nghệ, Washington ngày 22/03/2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước khi ký bản ghi nhớ về quyền sở hữu trí tuệ công nghệ, Washington ngày 22/03/2018

Có thể thấy rằng, quan hệ quốc tế luôn vận động, chuyển biến không ngừng. Ngày nay, dưới tác động của toàn cầu hóa, quá trình đó lại diễn ra càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Xung đột là một trong những quá trình cơ bản của quan hệ quốc tế. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng các cuộc xung đột với những nguyên nhân khác nhau vẫn sẽ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Hiểu rõ về xung đột quốc tế cho phép chúng ta nhận thức đúng đắn hơn quan hệ quốc tế để có thể ngăn chặn và giải quyết kịp thời các tình huống, các nguy cơ xung đột và chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế.